TW Hội Khuyến học Việt Nam - Công dân học tập trong quốc gia chuyển đổi số
TW Hội Khuyến học Việt Nam http://www.hoikhuyenhoc.vn

Công dân học tập trong quốc gia chuyển đổi số
15.04.2021

Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam xin trân trọng giới thiệu bài viết của GS.TS. Phạm Tất Dong tới toàn thể bạn đọc và hội viên

Ngày 10/5/2019, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Kết luận 49-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW (13/4/2007) của Bộ Chín trị về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Ngày 8/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 489/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Kết luận 49-KL/TW, trong đó giao cho Hội Khuyến học Việt Nam chủ trì Đề án “Xây dựng mô hình công dân học tập” giai đoạn 2021-2030.
 
Công dân học tập được hiểu là con người thực hiện nghĩa vụ học tập suốt đời trong xã hội học tập để phát huy tận lực những năng lực tiềm ẩn trong họ, nhờ đó mà họ sẽ được xã hội giao quyền phát triển sản xuất, vượt qua những thách thức kinh tế, đối đầu với những rủi ro trong xã hội luôn biến động nhanh chóng, khắc phục được những hiểm họa của môi trường bị ô nhiễm.
 
Với khái niệm về công dân học tập trên đây, khi thiết kế mô hình công dân học tập, những chuyên gia phải nghiên cứu những năng lực nào là cốt lõi của người dân mà thời đại đòi hỏi (những năng lực cốt lõi cần có để sống trong thế kỷ XXI). Tuy nhiên, để dựng được mô hình “Công dân học tập”, các nhà thiết kế thường phải giữ mấy nguyên tắc sau:
 
- Những năng lực cốt lõi của công dân học tập phải thật sự cần có trong nhân cách người Việt Nam,
 
- Những năng lực ấy nằm trong khung những năng lực cốt lõi của thế kỷ XXI mà UNESCO giới thiệu, nhiều quốc gia lựa chọn,
 
- Số lượng những năng lực cốt lõi của công dân học tập không quá nhiều. Mỗi năng lực cốt lõi cũng chỉ bao hàm một số kỹ năng và phẩm chất cơ bản mà thôi,
 
- Sau một giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội, những tiêu chí đánh giá công dân học tập sẽ được thay đổi.
 
Điều quan trọng bậc nhất phải quan tâm là những yêu cầu của Quốc gia về năng lực con người trước cuộc cách mạng công nghiệp và sự phát triển các công nghệ được ứng dụng trong sản xuất. Ở Việt Nam, ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 52-NQ/TW về một số chủ trương và chính sách chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tiếp theo đó, ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 749/QĐ-TTg, phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia”. Với những văn kiện này, trong Bộ tiêu chí đánh giá danh hiệu công dân học tập ở Việt Nam nhất thiết phải có năng lực số, bao gồm một số kỹ năng số để thích ứng với môi trường số.
 
Ví dụ, trong Quyết định 749/QĐ-TTg có khẳng định: “Người dân là trung tâm của chuyển đổi số” và đặt chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025 như sau:
 
- Hạ tầng băng thông rộng phủ kín 100% xã;
 
- Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh;
 
- Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử > 50%.
 
Như vậy, yêu cầu đặt ra với công dân học tập chí ít cũng là:
 
- Dùng Smartphone để học tập, giao dịch, mua bán, giải trí...;
 
- Gia đình của công dân học tập có đường dẫn cáp quang.
 
Trong quá trình tham khảo kinh nghiệm xây dựng mô hình công dân học tập ở nhiều quốc gia, các nhà nghiên cứu Việt Nam thấy rằng, những năng lực cốt lõi của công dân học tập trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư và trong giai đoạn chuyển đổi số thường được chọn là:
 
Năng lực tự học và học tập suốt đời: năng lực này bao gồm nhiều kỹ năng và phẩm chất cơ bản để làm chủ những kiến thức cần thiết như cập nhật thông tin hàng ngày, tích lũy những kiến thức thường xuyên, tiếp cận kịp thời những tri thức mới trên hệ thống sách báo, trong các hội nghị, hội thảo khoa học, qua các thiết bị thông tin hàng ngày...
 
Năng lực sử dụng ngoại ngữ: ngoại ngữ được coi là một phương tiện hết sức quan trọng của con người hiện đại để mở rộng giao lưu trong nước và ngoài nước, để hiểu nhiều về nền văn hóa đa dạng trên thế giới, để xây dựng quan hệ tốt đẹp với người nước ngoài, và đặc biệt cần thiết cho những ai muốn khai thác những thành quả nghiên cứu khoa học, những hệ tư tưởng khác nhau, những giá trị văn hóa... trong các sách báo in bằng tiếng nước ngoài hoặc trên mạng Internet.
 
Năng lực sử dụng công nghệ thông tin:  Trong thời đại ngày nay, với hệ thống những thiết bị thông tin kết nối Internet, con người làm chủ công nghệ thông tin sẽ học tập, làm việc, giao lưu trong môi trường số, trong thế giới hiện thực - ảo..., phục vụ có hiệu quả trong điều kiện hoạt động của Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.
 
Năng lực hợp tác, chia sẻ trong lao động sản xuất và hoạt động xã hội: Đây là yếu tố rất cơ bản trong lao động theo nhóm (tập thể), xây dựng sự đồng thuận, gắn kết con  người với nhau, bảo đảm sự nhất trí, đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ lần nhau trong các tập thể lao động, của các cộng đồng dân cư...
 
Năng lực khởi nghiệp: Thực chất của năng lực khởi nghiệp là năng lực đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ: làm ra cái mới cho người khác trên tinh thần dám chịu rủi ro, dám chấp nhận khó khăn. Về xây dựng quốc gia khởi nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 844/QĐ-TTg (18/5/2016), phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.
 
Năng lực tư duy phản biện:  Người ta còn gọi loại tư duy này là tư duy phân tích, là quá trình đánh giá một thông tin đã có theo các cách nhìn khác cho vấn đề đã đặt ra nhằm làm sáng tỏ và khẳng định lại tính chính xác của vấn đề (Theo Wikipedia).
 
Ngoài ra, nhiều quốc gia lại chọn những năng lực cốt lõi khác như năng lực tư duy toàn cầu (Singapore và một số nước thuộc EU), năng lực tổ chức và nghề nghiệp (Hoa kỳ)...
 
Trong giai đoạn chuyển đổi số quốc gia, nhiều nhà khoa học cho rằng, phải xây dựng mô hình “công dân số” với cách hiểu đó là một loại hình công dân học tập cụ thể. Gần đây, trong những hội thảo về công dân số, nhiều nhà nghiên cứu đề xuất về năng lực số bao hàm những kỹ năng sau đây:
 
- Kỹ năng truy cập số (truy cập điện tử những gì cần biết).
 
- Kỹ năng thương mại số (mua bán qua thanh toán điện tử, sử dụng tốt các ví điện tử...).
 
- Kỹ năng truyền thông số (trao đổi thông tin điện tử, sử dụng tốt các thông điệp, giao dịch, chứng từ số).
 
- Kỹ năng nắm kiến thức số (dạy và học về công nghệ và sử dụng công nghệ).
 
- Kỹ năng thực hiện các nghi thức số (thực hiện các thủ tục số, các hành vi theo tiêu chuẩn số).
 
- Kỹ năng bảo đảm luật lệ số (có trách nhiệm điện tử về hành động và hành vi khi tham gia mạng Internet).
 
- Kỹ năng thực hiện quyền và trách nhiệm số (thực hiện các quyền được tự do mở rộng trong thế giới số).
 
- Kỹ năng giữ gìn sức khỏe số (giữ gìn sức khỏe tâm lý trong thế giới công nghệ và kỹ thuật số).
 
- Kỹ năng bảo vệ an ninh số (thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo đảm an toàn khi tham gia không gian mạng).
 
Công dân số, nói cho cùng đó là những công dân có năng lực sống với xã hội số (xã hội ảo). Khái niệm xã hội số được hiểu là một xã hội hiện đại, trong đó, các công việc khác nhau như học tập, giải trí, chữa bệnh, giao thông, mua bán... đều thông qua các kênh kỹ thuật số nhờ vào mạng lưới các thiết bị thông minh. Trong xã hội số, mọi công việc sẽ hoàn toàn được giải quyết có hiệu quả hơn, chất lượng cao hơn và sự hài lòng của con người sẽ là phổ biến.
 
Cùng với việc đào tạo công dân số, các quốc gia còn quan tâm đến việc chuẩn bị những công dân toàn cầu. Đó là những người có năng lực sống và làm việc ở nhiều quốc gia khác nhau. Cùng với việc phát triển kinh tế hàng hóa theo hướng vươn ra thế giới, đưa các doanh nghiệp ra hoạt động ở nước ngoài, xây dựng các thương hiệu có uy tín thế giới, việc xây dựng mô hình công dân toàn cầu được đẩy mạnh.Từ đó, chúng ta sẽ thấy xuất hiện những người dân có quốc tịch bản xứ, đồng thời có thể còn thêm quốc tịch khác. Khái niệm công dân toàn cầu đã và đang làm thay đổi cơ bản cách suy nghĩ và cách hiểu về mọi khái niệm và giá trị như biên giới, lãnh thổ, chính trị, văn hóa, quản lý nhà nước và tư pháp quốc tế.

URL của bản tin này::http://www.hoikhuyenhoc.vn/modules.php?name=News&op=viewst&sid=4810

© TW Hội Khuyến học Việt Nam contact: khuyenhocvn@gmail.com