TW Hội Khuyến học Việt Nam - Huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn: Thực hiện tốt công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập
TW Hội Khuyến học Việt Nam http://www.hoikhuyenhoc.vn

Huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn: Thực hiện tốt công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập
31.03.2017

Những năm qua, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập theo Chỉ thị 11-CT/TW ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị.
Ban Thường vụ Huyện ủy xây dựng kế hoạch tổ chức học tập, quán triệt và ban hành các văn bản chỉ đạo các tổ chức đảng trực thuộc tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Ban chỉ đạo Đổi mới giáo dục và đào tạo huyện hằng năm tổ chức nhiều hoạt động như: Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời, đôn đốc hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng và công tác xóa mù chữ, đánh giá, công nhận cộng đồng học tập.

Đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng; các buổi tập huấn chuyên đề, hội nghị giao ban, sơ kết, tổng kết, truyền thông về “xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học, tổ dân phố khuyến học”; các đợt bồi dưỡng chính trị hè cho cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học;... Qua đó, mỗi người tự ý thức được nhiệm vụ học tập suốt đời, nâng cao dân trí, trình độ chuyên môn; thực hiện xã hội hóa công tác giáo dục, huy động các nguồn lực cho công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Triển khai thực hiện chương trình phối hợp giữa ngành giáo dục và đào tạo với các tổ chức đoàn thể; mở các lớp đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao công nghệ chăn nuôi; trồng trọt cho lao động nông thôn; các lớp đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ công chức, viên chức, lao động. Từ năm 2007 đến năm 2016, chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực, luôn duy trì, giữ vững kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Mạng lưới trường lớp được mở rộng tới các địa bàn khó khăn, góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng xã hội học tập. Tính đến 31/12/2016 toàn huyện có 65 trường ở các cấp học với trên 10,56 nghìn học sinh; có 01 trường phổ thông dân tộc nội trú, 34 trường phổ thông dân tộc bán trú cấp tiểu học và trung học cơ sở, 06 trường đạt chuẩn quốc gia; hệ thống giáo dục và đào tạo huyện cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập trên địa bàn.

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện vừa thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên, vừa thực hiện liên kết đào tạo nghề. Trung tâm học tập cộng đồng tại các xã, thị trấn chủ động xây dựng kế hoạch mở lớp học theo nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, làm tốt công tác phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể mở các lớp tập huấn theo chuyên đề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, các lớp phổ biến giáo dục pháp luật, chương trình khuyến nông, trồng trọt và chăn nuôi. Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động hướng dẫn, tư vấn khuyến học, khuyến tài, vận động mở lớp xóa mù chữ, giáo dục thanh thiếu niên về phòng, chống tệ nạn xã hội. Hiện 100% số xã thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở, 95% số trường mầm non trên địa bàn huyện đạt chuẩn phổ cập mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Cán bộ, công chức cấp huyện 100% được đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn quy định; cán bộ, công chức cấp xã 100% được bồi dưỡng kiến thức, kĩ năng lãnh đạo, quản lý, điều hành theo vị trí công việc; đồng thời hằng năm được đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới. Đối với lao động nông thôn, số người được tiếp cận, thụ hưởng các chương trình bồi dưỡng nâng cao hiểu biết, khả năng lao động sản xuất và nâng cao chất lượng cuộc sống đạt trên 80%.

Tổ chức hội khuyến học từ huyện tới cơ sở được củng cố, các xã, thôn, khối phố, trường học, cơ quan, dòng họ đều có chi hội khuyến học: Năm 2007 toàn huyện có 175 chi hội với trên 4,6 nghìn hội viên, đến năm 2016 tăng lên 234 chi hội với trên 10,6 nghìn hội viên. Nội dung hoạt động tập trung vào các nhiệm vụ như: Trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập, khen thưởng học sinh, giáo viên có thành tích xuất sắc trong học tập, công tác. Từ năm 2012 đến 2016, các xã, thị trấn và các trường học đã huy động trên 820 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa để khen thưởng hơn 17 nghìn lượt học sinh có thành tích học tập và trên 120 triệu đồng để trao học bổng cho 755 học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Từ năm 2007 đến nay đã tôn vinh gần 670 gia đình hiếu học, 07 dòng họ hiếu học. Năm 2014 có trên 910 gia đình hiếu học, 10 dòng họ hiếu học, 06 cộng đồng khyến học; năm 2015 có hơn 1,2 nghìn gia đình hiếu học, 12 dòng họ hiếu học; năm 2016 có hơn 4,4 nghìn gia đình học tập, 62 thôn, khối phố đạt danh hiệu cộng đồng học tập, 02 xã đạt cộng đồng học tập; 75 trường học, cơ quan, đạt danh hiệu đơn vị học tập.

Công tác xã hội hoá giáo dục đạt được những kết quả quan trọng, nhất là huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học và đóng góp kinh phí cho giáo dục. Các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang, doanh nghiệp tích cực, chủ động tổ chức hoạt động theo tinh thần xã hội hoá giáo dục; vận động các nhà hảo tâm, các tổ chức phi chính phủ... hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và các điều kiện khác cho giáo dục đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường. Từ năm 2009-2016, các tổ chức khuyến học của huyện, xã, trường học đã huy động gần 1,2 tỉ đồng và hàng nghìn suất quà của các tổ chức trong và ngoài huyện tặng cho học sinh. Từ năm 2009 đến 2014 có 13 gia đình hiến trên 12 nghìn m2 đất làm trường học, làm đường vào trường.

Thời gian tới, huyện Bình Gia xác định tiếp tục tổ chức thực hiện tốt công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập theo Chỉ thị 11-CT/TW ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị; tiếp tục hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ được cụ thể hóa từ Quyết định 89/QĐ-TTg ngày 09/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020 như: Xóa mù chữ và phổ cập giáo dục; nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề để lao động có hiệu quả hơn, hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn; hoàn thiện kỹ năng sống, xây dựng cuộc sống cá nhân và cộng đồng ngày càng hạnh phúc hơn. Tiếp tục nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, vai trò, lợi ích của việc đảy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; tổ chức các hình thức tuyên truyền phong phú qua các phương tiện truyền thông đại chúng, trong các nhà trường, cơ quan, doanh nghiệp, khu dân cư. Tổ chức các hoạt động học tập suốt đời qua các phương tiện truyền thông đại chúng, thư viện, nhà văn hóa, câu lạc bộ. Củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục; triển khai các biện pháp hỗ trợ người học nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả học tập suốt đời. Hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.


URL của bản tin này::http://www.hoikhuyenhoc.vn/modules.php?name=News&op=viewst&sid=4084

© TW Hội Khuyến học Việt Nam contact: khuyenhocvn@gmail.com