TW Hội Khuyến học Việt Nam - Nâng cao hình ảnh người Việt khi đi du lịch nước ngoài
TW Hội Khuyến học Việt Nam http://www.hoikhuyenhoc.vn

Nâng cao hình ảnh người Việt khi đi du lịch nước ngoài
05.04.2016

Chỉ cần gõ cụm từ “thói xấu du khách Việt” vào Google, chưa đầy một giây sau sẽ cho ra gần 600 nghìn kết quả. Con số này là một trong những minh chứng cho thấy, lối ứng xử thiếu văn hóa của một bộ phận du khách Việt dù không phải hiện tượng phổ quát nhưng cũng không mang tính cá biệt, đang từng ngày làm xấu đi hình ảnh con người, đất nước Việt Nam.
Trong bối cảnh du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, nhu cầu tham quan, du lịch nước ngoài của người dân ngày càng lớn, thì vấn đề nâng cao văn hóa du lịch cho người Việt càng trở nên bức thiết.

Văn hóa du lịch kêu cứu

Những ngày qua, thông tin diễn viên hài Minh Béo bị tạm giam khi đi du lịch Mỹ xuất hiện liên tiếp trên các phương tiện thông tin đại chúng, không khỏi khiến dư luận nhớ tới hàng loạt vụ việc xảy ra gần đây gây xấu hổ ngành du lịch nước nhà. Đó là chuyện năm du khách Việt bị cảnh sát Singapore phạt tù vì ăn cắp quần áo, chuyện hai du khách Việt bị tạm giữ ở Thụy Sĩ vì trộm kính hàng hiệu, hay chuyện nhóm du khách Việt bị bắt ở Thái Lan vì ăn cắp 206 bộ quần áo... Những sự vụ bị bắt quả tang vì “cầm nhầm” này tưởng rằng chẳng gây ảnh hưởng gì, nhưng có thấy những tấm biển cảnh báo ghi bằng tiếng Việt treo ở khu công cộng các nước bạn mới thấy tật xấu ăn cắp vặt của không nhiều du khách Việt đã thật sự làm nhục quốc thể. Ở xứ Đài Bắc (Trung Quốc) là biển báo ghi bằng hai thứ tiếng Trung và Việt: “tội trộm cắp sẽ bị phạt tù ít nhất ba tháng”; còn ở một số siêu thị Nhật là “chú ý, ở đây có camera an ninh”...

Không chỉ thế, không ít du khách Việt còn gây ấn tượng xấu trong mắt bạn bè thế giới với một loạt thói quen ứng xử thiếu văn hóa như: ăn uống lãng phí, xả rác bừa bãi, chen lấn không xếp hàng, hút thuốc lá, mất trật tự nơi công cộng... Chẳng thế mà ở Thái-lan, Hàn Quốc, người Việt có thể dễ dàng tìm thấy những biển hiệu tiếng Việt như: “Khu vực này cấm vứt bỏ rác thải sinh hoạt”, “Hãy bỏ rác thải vào túi ni-lon”... hay ở các cửa hàng buffet tại Thái-lan, Singapore là các cảnh báo “Xin vui lòng ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu”, “Lấy thừa thức ăn sẽ bị phạt”, “Trường hợp quý khách lấy đồ ăn không hết, buộc chúng tôi phải tính thêm gấp năm lần một suất ăn”... Nếu thật sự yêu và tự hào về ngôn ngữ dân tộc, hẳn sẽ không ít người Việt Nam đau xót khi tiếng Việt được “quốc tế hóa” theo cách thức này. Thậm chí, đã hai năm liền, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã phải xin lỗi quan khách vì tiệc buffet chiêu đãi quốc khánh Việt Nam bị người Việt giành hết thức ăn.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Lửa Việt Tours kể lại, năm 2008, trong lần dẫn đoàn khách gồm nhiều lãnh đạo Việt đi châu Âu, đoàn khách đã bị cảnh sát Ý mời vào phòng làm việc vì quá ồn ào tại nhà ga Venise. Lại có lần đưa đoàn doanh nghiệp đi khảo sát thị trường Thái-lan năm 2005, một vị giám đốc bất ngờ bị hai cảnh sát áp giải. Thì ra từ camera an ninh, họ phát hiện vị này lén lấy thuốc ra hút rồi lấy chân rụi thuốc ở khu vực cấm hút, bị phạt 50 USD... Thật khó để kể hết những hành vi xấu của một bộ phận người Việt khi đi du lịch nước ngoài.

Tuy nhiên, đáng báo động hơn cả là tình trạng du khách lợi dụng con đường du lịch để ở lại lao động chui. Mới đây, vụ 46 du khách Việt bỏ trốn ở đảo Cheju-Hàn Quốc đã lập nên kỷ lục về số lượng người nhập cảnh bất hợp pháp từ hòn đảo này, nâng tỷ lệ lao động chui ở Hàn Quốc lên 32% vượt xa mức trung bình 17%. Những năm gần đây, Thái-lan đã công khai đưa Việt Nam vào danh sách đen của các nước nhập cảnh có điều kiện. Singapore cũng liên tục từ chối du khách nữ Việt Nam nhập cảnh. Những sự “đề phòng” và “quan tâm” như trên của các quốc gia trong khu vực chính là hồi chuông gióng giả cảnh báo về những thói quen xấu theo kiểu “tự nhiên chủ nghĩa” của không ít du khách Việt.

Những hành vi, thói quen xấu đó chỉ là hành động riêng lẻ của một cá nhân trong một bộ phận người Việt. Tuy nhiên, khi đã đi du lịch nước ngoài thì đó lại là câu chuyện của cả một quốc gia, bởi mỗi du khách đều được coi là người mang trong mình những yếu tố văn hóa của đất nước đó. Cũng như “con sâu làm rầu nồi canh”, những hành vi xấu khi đi du lịch của người Việt không chỉ làm ảnh hưởng đến những người xung quanh hay môi trường du lịch, mà còn làm cho hình ảnh đất nước, con người Việt Nam xấu hơn trong mắt bạn bè quốc tế, nếu không muốn nói là “làm nhục quốc thể”, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang mở cửa, hội nhập. Đây là một trong những nguyên nhân giải thích tại sao số nước miễn thị thực cho Việt Nam chỉ bằng 1/4 Singapore, thấp hơn cả Lào, Campuchia và Đông Timor.

Cần sự vào cuộc của cả xã hội

Đặt câu hỏi về thói xấu khi đi du lịch của người Việt, có lẽ câu trả lời có cả những lí do khách quan từ tồn tại lịch sử, tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu nhất vẫn do sự thiếu hiểu biết về hành xử khi đi du lịch, sự vô ý thức trong bảo vệ hình ảnh bản thân, hình ảnh quốc gia của du khách Việt; đồng thời chưa có một chế tài nào đủ nghiêm, đủ mạnh để ràng buộc du khách phải cư xử văn minh. Tất cả vẫn hoàn toàn trông chờ vào sự tự giác, nhưng xem ra chỉ tự giác thì chưa đủ. Do đó, theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Tổng Giám đốc Công ty TransViet, cơ quan quản lý Nhà nước cần ban hành bản quy tắc văn minh du lịch và tuân thủ pháp luật khi đi du lịch; phát động các chương trình quốc gia liên quan; đồng thời đưa quy tắc này vào Luật Du lịch sửa đổi năm 2016. Bên cạnh đó, cần có chế tài xử phạt các khách và công ty du lịch vi phạm như cách mà một số quốc gia khác đã làm. Chẳng hạn, với các khách vi phạm luật ở nước ngoài như ăn cắp, bỏ trốn, hành nghề bất hợp pháp... cần tùy theo mức độ vi phạm để xử lý. Trong trường hợp vi phạm nặng, khách có thể bị cấm xuất cảnh trong một khoảng thời gian hoặc cấm vĩnh viễn; công ty có thể bị tước giấy phép... Thời gian qua, TransViet Travel cũng là một trong những doanh nghiệp du lịch đi đầu trong công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức khi đi du lịch cho du khách Việt. Công ty đã tự làm tờ rơi về văn minh du lịch và phát cho khách tại sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, các hội chợ du lịch... đồng thời đang triển khai lập facebook về văn minh du lịch để trong việc tiện tuyên truyền...

Tờ rơi về văn minh du lịch của TransViet Travel.

Ông Nguyễn Văn Mỹ cũng cho rằng, cần phải có một cơ quan độc lập xác định trách nhiệm và xử lý vi phạm về văn minh du lịch của từng cá nhân và đơn vị tổ chức, tránh hô hào suông và đổ lỗi cho tập thể. Ở một góc độ khác, ông Trịnh Lê Anh, Giảng viên Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn Hà Nội đặc biệt nhấn mạnh tới vai trò của những người điều hành tour, bán tour và đặc biệt là hướng dẫn viên. Đa phần khách mua tour đều là những người còn thiếu thông tin, thiếu kỹ năng khi ở nước ngoài. Vì thế, hướng dẫn viên phải có trách nhiệm đưa ra những khuyến cáo, lời khuyên cho du khách. Thực tế chứng minh, nếu du khách được công ty du lịch và hướng dẫn viên sâu sát nhắc nhở thì tỷ lệ hạn chế các hành vi xấu sẽ đạt tới 70 - 80%. Trong cuộc Tọa đàm về “Nâng cao hình ảnh du khách Việt” vừa được tổ chức ngày 31-3, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đã ban hành một dự thảo về quy tắc ứng xử dành cho du khách Việt. Bộ quy tắc quy định chi tiết những hành vi nên và không nên làm trong văn hóa ứng xử với những người xung quanh, với môi trường du lịch, quốc gia, dân tộc và đề xuất 10 hành động đẹp thể hiện văn minh du lịch là: giữ nụ cười thân thiện; nói “xin chào” khi gặp, “xin lỗi” khi sai; “cảm ơn” khi nhận; “xin vui lòng” khi yêu cầu; giúp đỡ, nhường chỗ cho người lớn tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai; đúng giờ và xếp hàng theo thứ tự; bỏ rác đúng cách, đúng nơi; không gây ồn ào, lãng phí thực phẩm; hạn chế hút thuốc lá nơi công cộng; cảm ơn sự phục vụ của các nhân viên và vỗ tay tán thưởng khi kết thúc biểu diễn; quan tâm giúp đỡ và chia sẻ với thành viên cùng đoàn; bồi dưỡng cho nhân viên phục vụ khi hài lòng (trừ một số quốc gia không thích thông lệ “Tip”). Tuy nhiên, theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội, những nội dung này cần được thể hiện một cách dễ hiểu, sinh động, dễ nhớ bằng các hình ảnh, clip minh họa mới có thể tạo hiệu ứng tốt.

Những năm gần đây, nhiều người Việt đi nước ngoài theo hình thức du lịch. Nếu vẫn giữ những thói quen xấu đã được nhận diện thì có lẽ người Việt sẽ dần nổi tiếng theo cách chẳng ai muốn. Thực tế cho thấy, thời gian qua, dù kinh tế Nhật Bản khó khăn nhưng đi đến đâu họ cũng vẫn được kính trọng bởi ứng xử văn minh, văn hóa. Ngược lại, Trung Quốc đã trở thành cường quốc có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhưng du khách Trung Quốc vẫn chưa tạo được thiện cảm cho quốc tế khi đi du lịch nước ngoài, thường gây ồn ào, mất trật tự, không giữ vệ sinh... Điều này chứng tỏ vị thế văn hóa của mỗi quốc gia không được nhận diện thông qua kinh tế mà qua lối sống, cách ứng xử của công dân ở quốc gia đó. Vì thế, đã đến lúc cả xã hội bao gồm cả các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý du lịch, công ty du lịch, cơ sở đào tạo du lịch và quan trọng nhất là du khách Việt đều phải bắt tay để cùng nỗ lực thay đổi những thói quen, hành vi xấu khi tham gia du lịch. Đây cũng là cách để Việt Nam xây dựng hình ảnh đẹp trong mắt bạn bè quốc tế, mời gọi họ đến với du lịch Việt Nam.



URL của bản tin này::http://www.hoikhuyenhoc.vn/modules.php?name=News&op=viewst&sid=3915

© TW Hội Khuyến học Việt Nam contact: khuyenhocvn@gmail.com